Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Phong trào "Áo vàng" - Nơi báo chí không được chào đón


(02/01/2019 16:31:16)

Phong trào biểu tình “Áo vàng” lớn nhất trong 5 thập kỷ qua tại Pháp để phản đối việc tăng thuế nhiên liệu, nổ ra từ ngày 17/11 và kéo dài trong nhiều ngày sau đó đã tạo nên cuộc khủng hoảng xã hội lớn tại nước này. Nhà chức trách Pháp nỗ lực kiểm soát tình hình; đụng độ xảy ra giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình; tình trạng đốt xe, cướp phá đã xảy ra ở thủ đô Paris... Nhóm PV CQTT tại Paris đã theo sát tình hình, phản ánh thông tin kịp thời đến độc giả.

Một người biểu tình “Áo vàng” giơ cao biểu ngữ “Báo chí, công cụ tuyên truyền của Nhà nước” tại Khải Hoàn Môn, Paris, ngày 1/12

1. Paris chiều thứ Sáu 7/12, trung tâm thủ đô hoa lệ của nước Pháp vẫn tiếp tục nhịp sống bình thường. Xe cộ chạy tấp nập trên đại lộ Champs - Elysees và các con phố xung quanh, nhưng trước các cửa hàng lại diễn ra một cảnh tượng hiếm thấy, các công nhân hối hả cắt những tấm ván gỗ lớn và bịt kín các cửa sổ kính, nơi trưng bày những hàng hóa có mẫu mới nhất, đẹp nhất…
 
Trên vỉa hè đại lộ Haussmann, nhóm PV CQTT tại Paris đang khẩn trương thực hiện những cảnh quay dẫn hiện trường phục vụ chương trình Thế giới 360° phát trên kênh Vnews, với chủ đề nóng hổi về phong trào “Áo vàng”. Bỗng quản lý của một cửa hàng chạy ra hỏi chúng tôi là ai, đang làm gì và đã có sự đồng ý cho quay hình của chính quyền chưa. Chúng tôi dừng công việc, rất ngạc nhiên vì chưa bao giờ gặp tình huống như vậy ở khu vực công cộng, nhất là khi chúng tôi không làm cản trở hoạt động kinh doanh của họ. Sau khi nghe chúng tôi giải thích, bà quay trở lại cửa hàng, tuy nhiên ánh mắt nhìn chúng tôi vẫn lộ vẻ băn khoăn.
 
Ngắm phố phường Paris trên đường trở về, khung cảnh vẫn tuyệt đẹp nhưng dường như bầu không khí hơi căng thẳng. Lực lượng an ninh, cảnh sát đã có mặt tại các địa điểm trọng yếu, sẵn sàng chờ đợi khoảng lặng trước cơn bão.
 
Thứ Bảy 8/12 là ngày xuống đường lần thứ ba của những người theo phong trào “Áo vàng” đòi chính phủ Pháp hủy bỏ các chính sách thuế mà theo họ đang đánh vào túi tiền của những người dân nghèo.
 
Nước Pháp không xa lạ gì với các cuộc biểu tình, thông thường diễn ra dưới sự bảo trợ của các nghiệp đoàn hoặc các tổ chức xã hội. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh đòi quyền lợi của người dân lần này khác hẳn về cách thức tổ chức và tính chất bạo lực. Từ khi phong trào được nhen nhóm, ít ai có thể hình dung nổi “đốm lửa nhỏ” bắt nguồn từ sự tức giận của người dân lại bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng xã hội chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đến vậy. Các cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn tại trung tâm Paris khi những kẻ quá khích đốt ô tô, đập phá và cướp bóc cửa hàng, chống lại cảnh sát.
 
2. “Paris bốc cháy”, “Bạo lực bùng phát tại Paris”, “Cơn điên loạn trên con đường lát đá” (đại lộ Champs - Elysees), “Paris rơi vào hỗn loạn”… là những hàng tít giật gân gắn liền với cụm từ “Áo vàng” xuất hiện trên trang nhất các tờ báo giấy và điện tử của Pháp và nước ngoài sau ngày thứ Bảy “đen tối” 1/12. Cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào quốc gia trụ cột của Liên minh châu Âu.
 
Một số kênh truyền hình của Pháp còn tường thuật trực tiếp cả những ngày thứ Bảy sau đó diễn biến của phong trào xuống đường khắp cả nước, đặc biệt tập trung tại Paris. Các chính trị gia, các chuyên gia xã hội, các nhà bình luận, phân tích… liên tục xuất hiện trong các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Nói cách khác, phong trào “Áo vàng” đã thành công trong việc làm cho chính quyền và cả xã hội phải lắng nghe những đòi hỏi của họ. Nhưng những người “Áo vàng” có hài lòng với sự tuyên truyền của giới báo chí?
 
Chưa bao giờ những thông tin về các PV tác nghiệp tại các cuộc biểu tình bị xúc phạm, đe dọa và phá hủy phương tiện làm việc… lại xuất hiện nhiều như vậy. Các PV buộc phải tháo bỏ logo để tránh gây chú ý và để những người biểu tình chấp nhận trả lời phỏng vấn. Thậm chí, còn có vệ sĩ đi cùng để hỗ trợ bảo vệ máy móc phương tiện. Ngay từ khi phong trào bắt đầu nhen nhóm, giới báo chí đã luôn phải đối mặt với thái độ ngờ vực của những người “Áo vàng”. Các video đăng tải trên mạng xã hội, những người “Áo vàng” khẳng định rằng, báo chí đang làm theo lệnh của chính phủ hòng làm suy yếu phong trào.
 
Sự giận dữ của những người “Áo vàng” nhằm vào giới báo chí đặc biệt đến nỗi một nhóm các chuyên gia tại Đại học Paul Sabatier ở Toulouse đã quyết định thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, dựa trên phân tích 2,3 triệu lượt đăng trên Twitter và 37 nghìn lượt đăng trong nhóm Facebook nổi tiếng “Nước Pháp nổi giận???”. Họ nhận ra rằng, các kênh truyền hình bị cáo buộc đã nhấn mạnh vào các cảnh bạo lực nhằm thu hút người xem để tăng xếp hạng, chứ không chú ý nhiều đến việc tuyên truyền những đòi hỏi giảm thuế “chính đáng” của phong trào. Thậm chí, khi một người biểu tình “Áo vàng” ôn hòa được phỏng vấn trực tiếp, thông điệp của người đó đôi khi không được chú ý bởi luôn có những cảnh bạo loạn ở khuôn hình bên cạnh.
 
PV Vũ Mai Linh Hương dẫn hiện trường tại đại lộ Champs - Elysees, Paris

Các tờ báo địa phương cũng trở thành mục tiêu tấn công của những người quá khích “Áo vàng”. Các tòa soạn bị đập phá, PV bị lăng mạ, thẻ nhớ máy ảnh bị tịch thu… Có thể nói, “cuộc ly dị” giữa “Áo vàng” và giới báo chí là biểu hiện của một “cuộc chia tay” giữa những người dân nghèo đang nổi giận với giới tinh hoa chính trị và kinh tế, nơi mà các nhà báo vốn bị coi là một bộ phận phụ thuộc. Chưa khi nào vai trò trung gian của báo chí tại Pháp bị nghi ngờ đến vậy. Những người “Áo vàng” không muốn đóng vai bị động trước micro và camera của PV. Họ muốn tự tuyên truyền những chính kiến của họ. Và các trang mạng xã hội như Youtube và Facebook giúp họ dễ dàng thực hiện điều đó.
 
 3. Trong suốt hai tuần đầu tháng 12, nước Pháp chao đảo vì phong trào “Áo vàng” của những người dân sống ở nông thôn, tỉnh lẻ hoặc ngoại ô. Cũng trong khoảng thời gian đó, phong trào biểu tình của học sinh trung học chống lại các cải cách giáo dục cũng bùng nổ. Ở các thành phố lớn, cuối tuần, cảnh sát dồn lực lượng đối phó với những người “Áo vàng”; trong tuần họ lại vất vả ngăn chặn những biểu hiện quá khích của các công dân trẻ tuổi. Hàng trăm trường trung học phổ thông trên toàn quốc bị học sinh chặn cửa. Các hoạt động giảng dạy và học tập bị ngưng trệ.
 
Trên đường trở về sau buổi ghi hình dẫn hiện trường về phong trào “Áo vàng”, xe của chúng tôi vô tình lọt vào giữa một cuộc biểu tình của học sinh trung học. Những gương mặt non nớt vây quanh, ngăn không cho xe tiếp tục di chuyển và các em chỉ chịu bỏ chạy khi đạn khói cay của cảnh sát bắn quanh xe để “giải cứu”.

Đa số người dân Pháp không đồng tình với hành động đập phá của những kẻ côn đồ đội lốt “Áo vàng”. Phải chăng những cảnh bạo loạn xuất hiện liên tục trên báo chí thời gian qua cũng là một nguyên nhân khiến những người “Áo vàng” ôn hòa quay lưng lại với báo chí, vì cho rằng mục tiêu đấu tranh của họ không được phản ánh trung thực.

Vũ Mai Linh Hương (Trưởng CQTT tại Paris, Pháp)
Nội san thông tấn số 12/2018