Thứ tư, ngày 03/07/2024

Học theo Bác, làm theo Bác

Tháng 5 về thăm quê Bác


(04/06/2024 14:16:44)

“Một chuyến đi đầy cảm xúc, vô cùng ý nghĩa và rất nhiều niềm vui” - đó là cảm nhận chung của các phóng viên, biên tập viên Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) sau chuyến về thăm quê Bác đúng dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024). Dù từng đọc, từng nghe, từng xem rất nhiều bộ phim về Người; từng viết kịch bản và dựng biết bao chương trình Thông điệp lịch sử, Học Bác mỗi ngày, nhưng khi tận mắt ngắm nhìn những hiện vật đơn sơ, lắng nghe những câu chuyện về những người thân yêu của Bác, ai nấy vẫn trào dâng xúc động.

Tập thể Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa tại Khu di tích quê ngoại Bác ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, tháng 5/2024

Sáng tháng 5, nắng miền Trung vàng ruộm. Đường về quê Bác dường như vô cùng quen thuộc trong không gian êm ả đặc trưng của nông thôn vùng Bắc Trung Bộ. Những đầm sen thơm ngát xen kẽ ruộng lúa xanh mướt, con đường nhỏ sạch đẹp, rực rỡ cờ hoa, khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy bình yên, thư thái.
Xe ô tô chở đoàn rẽ vào Khu di tích quê ngoại Bác ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Hòa vào dòng người, chúng tôi đến thăm ngôi nhà mái lá đơn sơ nằm giữa khoảng sân rộng bốn bề xanh mát - khung cảnh vô cùng quen thuộc của những ngôi làng Việt mộc mạc thời xưa.

Bên mái nhà tranh, giọng thuyết minh ngọt ngào, sâu lắng của hướng dẫn viên đưa chúng tôi trở về hơn một thế kỷ trước. Hoàng Trù là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời vào buổi sáng ngày 19/5/1890. Ngay từ bé, Nguyễn Sinh Cung đã cảm nhận được sự dạy bảo ân cần của ông bà ngoại, tình cảm thương yêu của cha mẹ đối với mình... 

Chỉ sống tại quê ngoại từ lúc lọt lòng cho tới 5 tuổi, nhưng hình ảnh quê ngoại, đặc biệt là những kỷ vật gắn bó với tuổi thơ êm đẹp vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm trí Bác Hồ, cả khi Người đã là Chủ tịch nước.

 Chúng tôi đã từng đọc, từng nghe, từng xem rất nhiều bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh; từng viết kịch bản và dựng biết bao chương trình Thông điệp lịch sử, Học Bác mỗi ngày. Vậy mà khi đứng đây, tại ngôi nhà quê ngoại của Bác ở làng Hoàng Trù, trước những hiện vật đơn sơ mà sống động, những câu chuyện nhỏ mà đầy ý nghĩa về cha, mẹ, anh, chị của Bác, qua giọng kể nhẹ nhàng, da diết của hướng dẫn viên, tất cả đều xúc động, ai cũng rơm rớm, nghẹn ngào!

Rời Hoàng Trù, chúng tôi đến làng Sen - quê nội của Người. Bầu trời ở làng Sen, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên những ngày đầu tháng 5 xanh trong. Cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng vàng dọc con đường vào Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi làm lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm - một lễ dâng hương thiêng liêng và thành kính! Giờ đây, ngắm lại những bức ảnh cả đoàn mặc áo hồng cánh sen, đứng trang nghiêm trước ban thờ và tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi vẫn nhớ như in những giây phút ấy.

Sau lễ dâng hương, chúng tôi dọc theo con đường xanh mướt đến thăm di tích nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Người. Nếp nhà thấp, nhỏ bé, tiêu biểu cho những ngôi nhà ở thôn quê Việt Nam. Về đây, chúng tôi cảm nhận đầy đủ hơn làng quê xứ Nghệ. Chúng tôi tiếp tục được nghe những câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác: xa quê từ năm 1906 cho đến khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác Hồ chỉ về thăm quê được hai lần (ngày 16/6/1957 và ngày 9/12/1961) nhưng Người vẫn gửi trọn vẹn nỗi nhớ, niềm thương qua những bức thư, bài viết về quê nhà…

Mảnh đất Kim Liên đã sinh ra một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới. Trong một gia đình có truyền thống hiếu học và giàu lòng nhân ái như thế, Bác của chúng ta đã lớn lên trong lời ru, tiếng hát và sự tảo tần của mẹ, cùng ý chí và sự nỗ lực không ngừng của cha. Cuộc sống giản dị nhưng đầm ấm đó là những ký ức tươi đẹp đã theo Bác suốt cuộc đời. Để khi đã sống trọn cuộc đời “vì nước, vì dân”, đến phút lâm chung, Bác lại nhớ về quê hương và “muốn nghe một câu hò xứ Nghệ”…

Mong ước được về thăm quê Bác của chúng tôi đã trở thành hiện thực. Chuyến đi diễn ra vào đúng những ngày tháng 5 lịch sử đã trở thành một ký ức không thể nào quên! Chúng tôi vẫn da diết nhớ khung cảnh yên bình, nhớ mái nhà tranh ở làng Chùa và làng Sen, nhớ cảm xúc rưng rưng khi nghe những câu chuyện kể về Bác Hồ, nhớ lễ dâng hương vô cùng trang trọng, nhớ hình ảnh cả đoàn mặc áo sen hồng về làng Sen thăm quê Bác… 

Có một số anh chị em trong Trung tâm đã từng được về thăm quê Bác, nhưng với nhiều người thì đây là lần đầu được tới Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên. Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”, tất cả đều chung một niềm tự hào, một cảm xúc thiêng liêng và xúc động. Chúng tôi thầm hứa, sẽ nỗ lực cống hiến hơn nữa, làm tốt nhiệm vụ của mình, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua các sản phẩm thông tin, góp sức xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong!./.

Thu Hạnh
Nội san Thông tấn số 5/2024