Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Người tốt việc tốt

Chuyện về thùng rác tái "xinh"


(01/10/2019 10:21:33)

Thùng rác tái “xinh” nhận được sự hưởng ứng của đoàn viên Chi đoàn Ban biên tập tin Thế giới

Tháng 6/2019, Chi đoàn Ban biên tập tin Thế giới - Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thử nghiệm chương trình thu gom, phân loại rác thải nhựa sử dụng một lần và đã nhận được sự ủng hộ rất tích cực từ ban phụ trách đơn vị, các anh chị đồng nghiệp và các bạn đoàn viên trong Ban.

Xuất phát từ ý tưởng thu gom nhựa để đóng góp cho một sự kiện triển lãm về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, Chi đoàn đặt một thùng các-tông lớn với tên gọi thùng tái “xinh” ở góc hành lang nơi ít người qua lại, với mục tiêu kêu gọi mọi người đóng góp túi nylon, ống hút và các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Sau đó, mỗi tuần một lần, Chi đoàn cử một bạn đoàn viên phân loại số rác thải nhựa đã thu gom được và chở đến nơi tập kết hoặc các sự kiện, chương trình cần tới chúng. 

Dù trước đó, phong trào hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần đã được tuyên truyền rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội, nhưng dường như ý tưởng thu gom và phân loại rác thải nhựa ngay tại nơi làm việc vẫn còn khá mới mẻ đối với phần đông các biên tập viên trong Ban. Tuy nhiên, sau khi nghe phổ biến về mục tiêu và cách thức thực hiện, mọi người đều hưởng ứng và đóng góp rất nhiệt tình.

Quy định của thùng tái “xinh” là đồ nhựa phải được làm sạch và lau khô trước khi bỏ vào thùng. Do đó, khi mọi người đi qua góc hành lang nơi đặt thùng tái “xinh”, rất dễ bắt gặp hình ảnh những chiếc cốc nhựa, bát nhựa hay túi nylon đã được rửa sạch, xếp gọn gàng và phơi trên cửa sổ cho khô ráo. Hay những vỏ túi bim bim, vỏ hộp bánh... đã được làm sạch, vuốt phẳng phiu, gói vuông vắn đặt trong thùng. Đôi lúc, một số anh chị lại hỏi nhau, món đồ này có tái chế được không, có bỏ vào thùng được không. Nhìn những hình ảnh ấy, hẳn ai cũng cảm nhận được sự quan tâm chân thành và nghiêm túc của các thành viên trong đơn vị đến vấn đề môi trường và các hoạt động tập thể của Ban.

Trong quá trình thu gom, chúng tôi cũng không tránh khỏi một số tình huống “dở khóc dở cười”. Sắp đến ngày tập kết rác thải nhựa để chuyển cho bên tổ chức sự kiện, bạn đoàn viên phụ trách thu gom tá hỏa khi thấy chiếc thùng trống trơn. Hóa ra các cô lao công thấy thùng đầy đã dọn giúp. Có hôm lại bới được chiếc bánh mì ăn dở, bát mì tôm chưa làm sạch, có lẽ là “đồ đi lạc” của các bạn làm ca đêm bỏ nhầm vào thùng. Vậy là chúng tôi lại phải thu dọn sạch không làm mất vệ sinh chung.

Ngày qua ngày, chiếc thùng vẫn “cần mẫn” làm nhiệm vụ của mình. Mỗi tuần Chi đoàn phân công một bạn đoàn viên phân chia đồ nhựa thành từng loại, những món nào có thể bán được, các bạn sẽ gửi cho các cô lao công. Đây cũng là nỗi băn khoăn của Chi đoàn về điểm đến cuối cùng của những món đồ nhựa khó tái chế này. 

Nhìn chiếc thùng thu gom vơi rồi lại đầy, chúng tôi cảm thấy vui vì mọi người đã nhận thức được tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và có ý thức phân loại chúng để tạo điều kiện thuận lợi cho khâu xử lý và tái chế. Nếu số rác thải nhựa bỏ vào thùng ngày càng ít đi do chúng ta đã hạn chế sử dụng đồ nhựa và túi nylon, thì đó mới là kết quả của việc hưởng ứng Kế hoạch hạn chế và tiến tới loại bỏ rác thải nhựa của TTXVN vừa được ban hành cuối tháng 7/2019. Đây là hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa.

Hy vọng trong thời gian tới, với sự chung tay của các đơn vị trong toàn ngành, kế hoạch này sẽ thu được kết quả khả quan, giúp TTXVN trở thành một trong những cơ quan đi đầu trong phong trào hạn chế và loại bỏ rác thải nhựa dùng một lần, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Hà Phương
Nội san Thông tấn số 9/2019