Thứ năm, ngày 18/04/2024

Kỹ thuật - Công nghệ

Trí tuệ nhân tạo trong báo chí


(01/06/2020 15:43:42)

Trong số các loại công nghệ truyền thông được đề cập trong cuốn sách “Những sáng tạo trong báo chí toàn cầu 2018-2019”, trí tuệ nhân tạo (AI) có lẽ là khó hiểu nhất, nhưng đang nhanh chóng hiện diện ngày càng phổ biến trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Nhiều người đang hằng ngày tương tác với các loại hình AI mà không hề nhận ra.

AI đang trở thành một xu thế tất yếu trong nhiều lĩnh vực đời sống và báo chí truyền thông

Khi sử dụng Facebook, Google hay Apple, rõ ràng bạn đang tương tác với nó (AI). Nó đề xuất ảnh cho bạn, đọc email của bạn và sau đó gửi cho bạn các quảng cáo liên quan tới những nội dung có trong Gmail của bạn. Bạn thậm chí tương tác với AI từ 30 đến 40 lần một ngày mà không hề biết, Karim Sanjabi, Giám đốc điều hành phụ trách giải pháp nhận thức của hãng truyền thông CrossMedia khẳng định.

Trong tương lai gần, loại hình AI phổ biến nhất trong lĩnh vực truyền thông được gọi là “điện toán hội thoại”.

Bà Amy Webb, CEO của Viện nghiên cứu tương lai ngày nay cho rằng, chúng ta sẽ nói chuyện với máy tính, thay vì gõ văn bản và cuối cùng là máy móc nói chuyện với nhau. Điều này phản ánh bước chuyển quan trọng trong hệ sinh thái thông tin của chúng ta.

Giọng nói chính là mối đe dọa lớn tiếp theo của báo chí. Điện toán hội thoại đã khẳng định tiềm năng to lớn của AI, không chỉ là một công nghệ đơn thuần, mà còn là một khái niệm rộng lớn về cách thức máy tính sử dụng và học hỏi từ dữ liệu của con người.

Theo Amy Webb, Google, Amazon, Facebook, Apple, IBM, Microsoft và Baidu đang chạy đua về AI. Tuy nhiên, lãnh đạo các công ty truyền thông không quan tâm hoặc đang bị phân tâm bởi những xu hướng công nghệ sai lầm. Họ đánh giá thấp tầm quan trọng của giọng nói hoặc phần mềm cung cấp miễn phí nội dung dưới dạng âm thanh trên các nền tảng như Alexa của Amazon.

Họ không hiểu rằng thói quen thu nạp thông tin của con người sẽ thay đổi khi tất cả chúng ta đều nói chuyện với nhiều loại máy móc trong cuộc sống. Các nhà quản lý không có lối tư duy chiến lược nhằm tạo ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới để ứng phó với những gì sắp xảy đến.

Sử dụng AI trong truyền thông

Thực tế, một số cơ quan báo chí đã nhận ra xu hướng này và có những bước đi cụ thể. Các cơ quan báo chí đang bắt đầu sử dụng AI trong mọi lĩnh vực, kể cả biên tập, tiếp thị, kinh doanh và thu hút độc giả. Ví dụ, nhóm Tech Hub của Yoox Net-a-Porter đã sử dụng AI từ năm 2015 và hiện nay đang sử dụng công nghệ này để cải thiện các khả năng di động như: Nhận diện hình ảnh, tìm kiếm bằng ngôn ngữ tự nhiên, tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với khách hàng dựa trên kích thước cơ thể và vị trí của khách, đưa ra những lời khuyên mang tính cá nhân hóa căn cứ vào lịch sử mua sắm và phong cách cá nhân ảo.

Một ví dụ về AI trong lĩnh vực nội dung: Trong khi nhiều cơ quan báo chí loại bỏ các bình luận (comment) vì khâu duyệt quá khó khăn, Washington Post và The New York Times đã làm ngược lại.

Washington Post dùng AI để phân loại và hạn chế số lượng một triệu bình luận trong một tháng. Đội ngũ kỹ thuật của Washington Post phát triển một “ModBot” để phân loại các bình luận căn cứ vào lịch sử các quyết định do nhân viên của báo đưa ra trong suốt thời gian trước đó. ModBot chia các bình luận theo từng loại tương ứng và sau đó lưu lại các dữ liệu để cập nhật cho chính sách thảo luận của Washington Post.

The New York Times cũng sử dụng AI để phân biệt các bình luận độc hại với bình luận lành mạnh khi dùng ứng dụng có tên Perspective, dựa trên thuật toán của Jigsaw, để sàng lọc các bình luận. Ứng dụng này cho phép các biên tập viên nâng tỷ lệ số tin, bài được phép bình luận từ 10% lên 25%, trong tương lai 80% lượng tin, bài sẽ được để ngỏ cho bình luận.

Một ví dụ khác về sử dụng AI trong công tác biên tập tại văn phòng: ở Anh, công ty truyền thông GiveMeSport sử dụng AI để giúp các tác giả cập nhật diễn biến trong lĩnh vực họ phụ trách để có các bài viết cho báo cũng như các bài đăng trên mạng xã hội.

GiveMeSport sử dụng công cụ phân tích ngôn ngữ tự nhiên do chủ sở hữu mới của trang mạng là Breaking Data phát triển để quét Twitter mỗi giây, xem xét các dòng tweet dựa trên các cụm từ cho trước, như đội bóng, cầu thủ, câu lạc bộ, liên đoàn hay sân vận động. Công cụ này lọc, hiệu đính và tập hợp các thông tin vào các nhóm như “sự kiện quan trọng”, “tin tức liên quan”, hay “tin nóng”. Cuối cùng, công cụ này gửi thông tin dưới dạng thông báo tới các nhà báo.

GiveMeSport còn sử dụng một công cụ AI khác trong hệ thống quản lý nội dung, bằng việc chấm điểm các bài đăng trên Facebook theo thang điểm từ 1-100 dựa vào tỷ lệ truy cập hoặc được độc giả tương tác (công cụ này cũng có thể phát hiện và trừ điểm các bài viết có tiêu đề hay các đoạn sao chép nhằm “câu khách”). Công cụ AI có thể đánh giá mức độ các từ ngữ, cấu trúc câu và hình ảnh tác động tới độc giả được nhắm tới. CEO của Breaking Data Nick Thain cho rằng, phát hành thông tin là một môn khoa học. Chúng tôi không muốn để mặc chúng cho sự may rủi.

Trí tuệ nhân tạo và quảng cáo

Trong lĩnh vực quảng cáo, AI đang được sử dụng để xác định nội dung, địa điểm và thời điểm tiến hành chiến dịch quảng cáo. Các quyết định này ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu và thực tế là không người bình thường nào có thể thu thập và phân tích toàn bộ các dữ liệu bởi chúng không ngừng gia tăng nhanh chóng. Vì vậy, người ta đến với AI.

Bà Allen Nance, Global CMO của công ty marketing tự động hóa Emmarsys cho biết: Tất cả các giám đốc phụ trách marketing (CMO) mà tôi từng nói chuyện đều hiểu rõ rằng việc cá nhân hóa hướng đến con người là không đơn giản. Bộ não của con người không còn có thể phân loại toàn bộ các dữ liệu và tiến hành các chiến dịch cùng lúc để từng bước thúc đẩy tiến trình cá nhân hóa với quy mô lớn… Chúng tôi chỉ đơn giản là làm những điều vượt quá khả năng của con người.

Các chuyên viên tiếp thị không nên đảm trách việc nhập và xuất dữ liệu, đưa dữ liệu đến từng khách hàng. Máy móc không chỉ giỏi xác định việc đưa ra những thông điệp cụ thể trong thời gian thực với quy mô lớn, mà còn giỏi hơn khi quyết định nên truyền thông điệp tới khách hàng bằng kênh nào. Thay vì phải dành 80% thời gian xử lý dữ liệu, gửi thủ công đến từng khách hàng… nhân viên tiếp thị có thể dành thời gian đó để phát triển chiến lược, nội dung và sáng tạo.

Trí tuệ nhân tạo cũng có thể đóng vai trò nhất định trong lĩnh vực native ads (một hình thức quảng cáo). Tờ Washington Post cũng gặp phải những vấn đề mà mọi nhà xuất bản và tiếp thị gặp phải như chi phí lớn dành cho việc xây dựng, phân bố quảng cáo native ads và vận hành với quy mô lớn.

Để giải quyết những khó khăn này, Washington Post đã tạo ra hai công cụ AI (có tên là Own và Heliograf) cho phép các thương hiệu tự nạp nội dung của mình và phát chúng đi dưới dạng cá nhân hóa.

Hệ thống này vận hành tự động và Washington Post tuyên bố nó có biên độ lợi nhuận 80-90%, không khác nhiều so với tỷ lệ mà họ nhận được từ việc quảng cáo hiển thị và quảng cáo trước khi chạy video.

Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm thương mại và cải cách của Washington Post Jarrod Dicker nói với Digiday: Không chỉ đạt mức lợi nhuận cực cao, việc quảng cáo được thực hiện liên tục suốt 24 giờ/ngày. Vì vậy, nó giải quyết được cả vấn đề lợi nhuận và quản lý thời gian quay vòng.

AI phải là tương tác giữa con người - máy móc - con người

John Ellet, CEO của công ty tư vấn tiếp thị Fusion chia sẻ với MediaPost: một trong những hứa hẹn về AI là khả năng tạo ra nhiều trải nghiệm cá nhân hóa hơn cho khách hàng tại mọi điểm chạm, trong mọi bối cảnh, mọi mức độ. Tuy nhiên, bạn không thể đạt được mức độ cá nhân hóa này nếu chỉ dừng ở các hoạt động giữa con người với con người. Đó phải là tương tác giữa con người - máy móc - con người.

Vì vậy, thay vì để máy móc thay thế con người, con người phải đào tạo máy móc có trí thông minh để chúng có thể tích cực tìm kiếm, phân loại, thực hiện theo yêu cầu của khách hàng và nhắm tới các nội dung biên tập cũng như các chiến dịch quảng cáo theo thời gian thực đối với mọi mục tiêu biên tập hoặc quảng cáo tại địa điểm cụ thể… AI sẽ sớm có khả năng ngay lập tức phản hồi theo tâm trạng của từng cá nhân.

(Theo cuốn “Những sáng tạo trong báo chí toàn cầu 2018-2019”-TTXVN)

Nội san Thông tấn số 5/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Chỉ số PA & DA trong SEO (04/09/2019 10:43:14)

diemthi.vnanet.vn - Công cụ xử lý "dữ liệu lớn" cho báo chí  (01/08/2019 14:43:23)

Triển khai chữ ký số chuyên dùng tại TTXVN (03/05/2019 15:37:49)

Website của bạn đã chuẩn SEO? (04/09/2018 16:56:24)

Ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính  (02/08/2017 15:25:28)

Thông tấn xã Việt Nam đứng thứ hai bảng xếp hạng về Chỉ số ICT 2016 (23/03/2017 08:49:11)

Trang thông tin điều hành tác nghiệp TTXVN (05/12/2016 10:42:24)

Biên tập viên và thuật toán: Tại sao truyền thông cần cả hai? (12/10/2015 14:48:44)

Alô… Trung tâm Kỹ thuật thông tấn xin nghe…  (05/08/2015 15:27:16)

Hiểu biết, bảo mật, cảnh giác khi tác nghiệp (07/07/2015 11:07:29)