Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Học theo Bác, làm theo Bác

Bác Hồ và vấn đề Viết như thế nào?


(08/06/2010 09:42:05)

Sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mặt trận báo chí gắn liền với toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Trong nửa thế kỷ làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập và chỉ đạo nhiều tờ báo, đã viết hàng ngàn bài báo dưới nhiều thể loại với hàng trăm bút danh cho hàng chục tờ báo trong và ngoài nước. Cách viết báo của Bác rất độc đáo, sáng tạo, vừa đậm đà tính dân tộc vừa mang hơi thở của thời đại; vừa có giá trị lớn về lý luận, chính trị vừa nhuần nhuyễn tính quần chúng.

            Bác từng nêu ra một số "bệnh" làm báo hay mắc phải như: Nói một chiều, đôi khi thổi phồng thành tích, nói ít hoặc không nói đúng mức những khó khăn, khuyết điểm của ta; đưa tin tức có khi chậm, khi hấp tấp, thiếu thận trọng, lộ bí mật, thiếu cân đối, tin đáng dài thì viết ngắn, đáng ngắn lại viết dài...

            Đặc biệt, Bác dạy cán bộ làm báo phải viết sao cho đúng mục đích, đúng đối tượng: "Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem không nhớ được, không hiểu được là viết không đúng, nhắm không đúng mục đích. Mà muốn người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ người xem". Bác nói: "Trước hết cần phải tránh cái lối viết "rau muống", nghĩa là lằng nhằng "trường giang đại hải".

            Theo quan điểm của Bác, cách nói, cách viết không phải là kỹ thuật dùng từ ngữ mà là vấn đề rất quan trọng có liên quan đến tác phong công tác và phẩm chất của cán bộ, đảng viên. Bác đã vạch rõ yêu cầu thể hiện quan điểm quần chúng của Bác trong cách nói, cách viết như sau:

             - Phải học cách nói của quần chúng, chớ nói như giảng sách.

            Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng.

             - Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực, dễ hiểu.

             - Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?

             - Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết.

             - Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: "Chó ba quanh mới nằm, người ba năm mới nói".

            Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng phải xem đi xem lại chín, mười lần.

 

            Viết như thế nào?

            Theo ý Bác Hồ, muốn viết báo trước hết phải có đủ tài liệu. Muốn có tài liệu thì phải tìm. Bác hướng dẫn cụ thể cho cán bộ làm báo về cách lấy tài liệu là nghe, hỏi, thấy, xem và ghi chép. Phải sưu tầm và xác minh tài liệu công phu, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người cầm bút. Trên cơ sở những tài liệu phong phú và chính xác, với sự phân tích đúng đắn và sâu sắc, những bài báo của Bác do vậy luôn bảo đảm tính Đảng và tính khoa học, mang lượng thông tin cao và có sức thuyết phục mạnh.

            Viết như thế nào? Việc này phải gắn với mục đích của bài báo. Viết để làm gì? Bài báo viết phải thiết thực, cụ thể, viết rõ sự thực. Không viết chung chung, chính trị suông, rập khuôn, sáo rỗng. Bác giải thích đường lối chính trị của Đảng về mọi mặt bằng những bài viết ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, lôi cuốn độc giả mọi tầng lớp (công nhân, nông dân, trí thức), giúp họ hiểu những vấn đề phức tạp, đồng thời nâng cao trình độ chính trị của họ lên. Bác là một tấm gương sáng về cách viết như thế nào để làm cho báo Đảng trở thành vũ khí sắc bén lãnh đạo quần chúng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Bác đã học tập và rèn luyện nghề viết báo, viết văn đến trình độ nghệ thuật. Những bài báo của Bác thể hiện tinh thần lao động cần cù, nghiêm túc, khoa học, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của người cầm bút.

            Bác đã cách xa chúng ta từ hơn 40 năm nay nhưng những lời dạy ngắn gọn, đầy đủ, toàn diện và sâu sắc trên đây vẫn còn nguyên giá trị với những người làm báo Việt nam.

MC (theo cuốn “Bác Hồ, người làm báo vĩ đại”)
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thử sức ở nơi gian khó (08/06/2010 09:40:27)

Học Bác, nâng cao tinh thần trách nhiệm (08/06/2010 09:36:35)

Công ty In - Thương mại: Ba năm học Bác, ba năm tăng trưởng mạnh (08/04/2010 10:03:16)

Cẩn trọng - Yếu tố sống còn của nghề biên tập sách (04/01/2010 10:45:34)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ (27/11/2009 08:48:07)

Bác Hồ với Báo ảnh (15/10/2009 15:45:08)

40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhớ lời căn dặn của Bác đối với thanh niên (31/08/2009 14:41:47)

Quan điểm của Hồ Chí Minh về huấn luyện và sử dụng cán bộ (10/08/2009 14:27:50)

Sơ kết hai năm thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh": HẦU HẾT CÁC ĐÆ N VỊ TRONG TOÀN NGÀNH ĐÃ CÓ SỰ CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC (02/06/2009 09:23:11)

"Người cách mạng phải có đạo đức..." (01/06/2009 15:16:52)