Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Học theo Bác, làm theo Bác

Từ lời dạy của Bác nghĩ về một thế mạnh chưa được phát huy của ảnh báo chí.


(02/01/2013 15:20:48)

Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã bước vào chiều sâu giữa lúc Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Ðảng” đang được triển khai mạnh mẽ từ trên xuống tại tất cả các tổ chức đảng nhằm “đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”.

Phóng viên ảnh Trí Dũng tác nghiệp tại Văn phòng trung ương Đảng, 6/2012

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Toàn Đảng đang bước vào thời điểm thiêng liêng và hệ trọng, đang làm những việc rất thiêng liêng và hệ trọng", liên quan đến sự tồn vong của chế độ. Trong "thời khắc" thiêng liêng này, nhìn lên Bác, soi lại mình, từ trong sâu thẳm tâm can, những đảng viên, phóng viên ảnh chúng tôi - những nhà báo mà vũ khí chính là chiếc máy ảnh - vẫn trĩu nặng một câu hỏi: Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta đã làm được bao nhiêu trong sứ mệnh "Trừ tà" để thực hiện lời Bác căn dặn những nhà trí thức, những người cầm bút, trong đó có các nhà báo: "Ngòi bút của các bạn cũng phải là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà" (Thư Bác Hồ ngày 25/5/1947).

Công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, vì mục tiêu xây dựng một xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh" đã đem lại những biến đổi sâu sắc trên đất nước ta. Cùng với những thành tựu to lớn, cơ bản mà Đổi mới đem lại, chúng ta cũng đang phải đương đầu với một thực tế là, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội đang gia tăng và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực, phòng, chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng của toàn dân. Cần phải nhìn nhận một cách bình tĩnh rằng, cuộc chiến này hoàn toàn không dễ dàng và đơn giản. Quá trình chuyển đổi từ cơ chế này sang một cơ chế khác là quá trình mà nhiều thứ, trong đó có hệ thống pháp lý mới và những cách ứng xử mới dần được định hình và hoàn thiện. Trong quá trình đó, khó tránh khỏi những "hư hỏng", những tiêu cực nảy sinh, những kẻ cơ hội "đục nước béo cò", những lòng tham trỗi dậy... Tuy nhiên, nếu không kiên quyết ngăn chặn, đấu tranh kịp thời với những hư hỏng, tiêu cực đó thì hậu quả khó lường. Phát hiện và tích cực đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng là giúp đẩy nhanh quá trình hoàn thiện của xã hội mới và là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân hiện nay. Với đội ngũ nhà báo đông đến nhiều nghìn người, có mặt trên khắp mọi miền đất nước, dựa vào tai mắt của triệu triệu quần chúng và được định hướng bằng những chủ trương, đường lối của Đảng, báo chí trong thời gian qua đã góp phần quan trọng và có hiệu quả vào công cuộc chống tiêu cực. Tuy nhiên, một điều không bình thường là, trong khi hầu như tất cả các "binh chủng" của báo chí đều hăng hái "ra trận" chống tiêu cực, chống tham nhũng (hầu hết những vụ tiêu cực, tham nhũng lớn thời gian qua đều có sự tham gia phát hiện, đấu tranh của báo chí) thì ảnh báo chí chúng ta dường như lại "chưa thật sự vào cuộc". Điều vô lý hơn nữa là nhiều người trong chúng ta đang coi cái điều không bình thường ấy là bình thường mà hầu như không băn khoăn, trăn trở: Ảnh báo chí không được làm, không biết làm hay không dám làm công tác chống tham nhũng, tiêu cực?

Phóng viên ảnh Ngọc Hà tác nghiệp tại một cơ sở nuôi cá tầm ở hồ thủy điện Đa Mi (Bình Thuận)

Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, Đảng và Nhà nước coi tình trạng tiêu cực, tham nhũng đã đến mức "đe dọa đến sự tồn vong của chế độ" (lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) và tham gia vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng là nghĩa vụ của tất cả mọi người. Mặc dù chống tiêu cực là lĩnh vực đầy khó khăn, nguy hiểm, song có thể khẳng định rằng: Ảnh báo chí hoàn toàn có khả năng tham gia và tham gia có hiệu quả vào cuộc chiến đó. Là phương tiện phản ánh hiện thực bằng hình một cách trực tiếp, trung thực, không bố trí, dàn dựng, ảnh báo chí có sức thuyết phục rất lớn đối với độc giả, và vì vậy, có một sức mạnh ghê gớm trong việc tố cáo, lên án những hiện tượng tiêu cực, tập hợp, vận động cán bộ, nhân dân cùng chống tiêu cực. Hiệu quả của truyền thông đại chúng, xét cho cùng là ở việc nó tác động đến tâm lý, tư tưởng và hành động của con người như thế nào. Ở góc độ này, ảnh báo chí có một thế mạnh riêng mà khó có loại hình truyền thông nào có thể sánh được. Đọc tin, bài, người đọc còn có thể bán tín, bán nghi bởi không chứng kiến sự việc mà chỉ được nhà báo truyền đạt lại. Tin có khi cũng bị thổi phồng, nhào nặn. Truyền hình còn có thể có "bàn tay dàn dựng của đạo diễn". Muốn thật sự tin, người ta hay nghĩ là phải đến tận nơi, nhìn tận mắt vì "trăm nghe không bằng một thấy". Ảnh báo chí đã làm "hộ" người đọc điều đó. Không có sự thật thì không thể có ảnh. Ảnh báo chí đi thẳng vào lòng người chính bởi tính chân thực. Nó ghi lại việc thực, người thực. Một bức ảnh báo chí với những dòng chú thích ngắn gọn có sức "công phá" còn dữ dội hơn cả những tin, bài dài hàng ngàn, hàng chục ngàn chữ. Cho đến bây giờ, thế giới dường như vẫn còn bàng hoàng về bức ảnh chụp một bé gái Việt Nam trần truồng vừa chạy vừa kêu khóc trong tuyệt vọng khi lửa bom napan đang thiêu đốt da thịt em và người dân Mỹ có lẽ vẫn còn chưa nguôi ám ảnh về bức ảnh chụp cảnh người Xômali kéo lê xác lính Mỹ "ngoại bang" trên đường phố. Trong lĩnh vực chống tiêu cực hôm nay, một bức ảnh chụp một đập thủy điện sắp khánh thành bỗng dưng đổ sập khi mưa gió mới "thoảng qua"; một phóng sự ảnh về những em bé ở vùng sâu, vùng xa, áo rách, chân đất đến trường trong mùa đông giá buốt đối nghịch với cảnh một bữa tiệc đã tàn mà vẫn còn đầy ắp thức ăn và ngổn ngang những chai rượu giá nhiều triệu đồng... chắc chắn sẽ làm lay động lòng người và có tác dụng tố cáo sự xa hoa, lãng phí, quen xài "của chùa" hơn những lời kêu gọi, vận động chung chung... Một chùm ảnh chụp cảnh biệt thự lộng lẫy của giám đốc một doanh nghiệp nhà nước đang phá sản bên bức ảnh chụp những mâm cơm chỉ chỏng chơ vài cọng rau muống sẽ nói được nhiều điều hơn cả một loạt bài điều tra nhiều kỳ. Một phóng sự ảnh ghi lại cảnh những bác sĩ trực đêm rung đùi uống trà và gần đó, những bệnh nhân đang quằn quại trong cơn đau cấp tính không người theo dõi sẽ góp phần không nhỏ động viên sức mạnh của cả xã hội trong đấu tranh chống bệnh vô cảm đang hoành hành ở không ít nơi.

Phóng viên Quốc Khánh (trái) tác nghiệp tại Sea Games 25  

Đương nhiên, chính vì ảnh báo chí có tác động ghê gớm nên việc sử dụng sức mạnh này trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực không chỉ đòi hỏi ở người phóng viên, biên tập và quản lý sự dũng cảm, trung thực, nhanh nhạy, sắc bén mà còn đòi hỏi một bản lĩnh chính trị thực sự vững vàng. Ở ảnh báo chí, ranh giới giữa "xây dựng" và "phi xây dựng", giữa phản ánh hiện thực và "bôi đen" hiện thực nhiều lúc thật mỏng manh. Đứng vững được trước cái ranh giới mỏng manh đó đòi hỏi người làm báo phải có một cái tâm thật trong sáng, một tầm nhìn thật xa rộng. Phải biết đặt lợi ích của toàn cục, của đất nước, nhân dân lên trên những suy tính cá nhân. Ảnh báo chí phản ánh hiện tượng gì, chụp như thế nào, liều lượng ra sao, dùng ở thời điểm nào... đòi hỏi một sự tính toán, phân tích thận trọng và cân nhắc kỹ càng. Làm sao cho những bức ảnh chống tiêu cực không được làm giảm lòng tin của dân với chế độ mà phải để mọi người thấy rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh quyết liệt này và tập hợp được đông đảo cán bộ, quần chúng... dưới ngọn cờ của Đảng chống tiêu cực, tham nhũng. Những bức ảnh đó không chỉ góp phần tố cáo, lên án mà còn phải có tác dụng răn đe và góp phần mở đường cho việc điều tra, xử lý những hành vi tội phạm.

Để ảnh báo chí tham gia có hiệu quả vào cuộc chiến chống các hiện tượng tiêu cực, còn nhiều điều chúng ta phải làm, song điều đòi hỏi trước tiên là phải đổi mới cách nhìn của mình, dám phát huy và biết phát huy những lợi thế của ảnh báo chí trong cuộc đấu tranh này. Đặc biệt là phải biết tổ chức thật tốt công tác đó. Ảnh báo chí không chỉ dừng ở mức phản ánh vấn đề, ghi lại những gì mà các báo, tin, bài khác đã viết, dư luận rộng rãi đã lên tiếng mà quan trọng phải biết phát hiện vấn đề. Những tài liệu trung thực bằng cả hình ảnh và lời viết sẽ góp phần quan trọng giúp các cơ quan pháp luật thực thi phần việc của mình. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực đòi hỏi phải xây dựng được một đội ngũ phóng viên ảnh thật sự năng động, có nhiệt tình, hăng say chống cái tà, cái xấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, trung thực và dũng cảm... Nếu như phóng viên viết có thể qua nghiên cứu tài liệu, nghe báo cáo để hình thành tác phẩm báo chí thì phóng viên ảnh phải trực tiếp có mặt tại hiện trường để ghi hình. Một bức ảnh chụp cảnh lâm tặc ngang nhiên vận chuyển gỗ cấm qua các trạm kiểm soát với sự làm ngơ của những người có trách nhiệm được đổi bằng không chỉ hàng chục, hàng trăm ngày đêm đeo đuổi, săn bám đối tượng, mà có khi là máu của chính phóng viên…

Tất cả những cái đó đòi hỏi phải có một sự chuyển biến mạnh mẽ từ cấp quản lý, biên tập đến phóng viên, từ việc chỉ đạo, thể hiện hình ảnh, xử lý, biên tập tác phẩm đến việc trang bị phương tiện và đánh giá công sức phóng viên.

Cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, vẫn đang tiếp tục. Dưới ánh sáng của Nghị quyết TƯ 4, được hun đúc bằng lời dạy của Bác, xin được bày tỏ niềm tin vững chắc rằng, trong trận chiến quyết liệt này, ảnh báo chí chúng ta sẽ thực sự phát huy được hiệu quả của mình để "phò chính, trừ tà".

Phạm Quyền (Chi bộ Ban Biên tập Ảnh)
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn: Học đi đôi với hành (05/12/2012 10:08:16)

Tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh": Cán bộ đảng viên TTXVN có chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động (13/06/2011 10:42:11)

Bác Hồ và vấn đề Viết như thế nào? (08/06/2010 09:42:05)

Thử sức ở nơi gian khó (08/06/2010 09:40:27)

Học Bác, nâng cao tinh thần trách nhiệm (08/06/2010 09:36:35)

Công ty In - Thương mại: Ba năm học Bác, ba năm tăng trưởng mạnh (08/04/2010 10:03:16)

Cẩn trọng - Yếu tố sống còn của nghề biên tập sách (04/01/2010 10:45:34)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ (27/11/2009 08:48:07)

Bác Hồ với Báo ảnh (15/10/2009 15:45:08)

40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhớ lời căn dặn của Bác đối với thanh niên (31/08/2009 14:41:47)