Thứ năm, ngày 25/04/2024

Học theo Bác, làm theo Bác

Ban Thư ký Biên tập: Thực hiện lời dạy của Bác để công tác tốt


(06/02/2013 14:58:04)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng lỗi lạc, một danh nhân văn hóa và là một nhà báo vĩ đại. Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin để soi sáng những vấn đề của cách mạng Việt Nam trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội..., trong đó có hoạt động báo chí. Với hàng nghìn bài báo, hàng chục bút danh đề cập toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội, Người đã để lại một di sản báo chí quý báu. Không những thế, Người đã dạy những người làm báo cách viết sao cho tác phẩm báo chí đạt hiệu quả cao nhất.

 

 

Trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Muốn viết báo thì cần: 1- Gần gụi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; 2- Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người; 3- Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; 4- Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ. Các bạn nên thi đua nhau, thi đua một cách thiết thực để cùng nhau tiến bộ".

Bác còn nói: "... làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết". (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội -1995, tập 10, trang 615).

Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn

"...tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được...".

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc học tập nâng cao trình độ của cán bộ, đảng viên. Người từng dặn "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại". (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội -1995, tập 5, trang 684).

Từ những lời dạy của Bác, tập thể cán bộ, đảng viên Ban Thư ký Biên tập đúc rút được những tiêu chí chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong công việc hàng ngày, đó là: Không ngừng trau dồi, nâng cao nhận thức chính trị, rèn luyện đức tính cẩn thận trong công việc, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ.

 

               Không ngừng nâng cao nhận thức chính trị

Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), tập thể cán bộ, đảng viên Ban Thư ký Biên tập luôn không ngừng nâng cao nhận thức chính trị của mình thông qua việc tham gia các lớp học Nghị quyết, các lớp nâng cao trình độ chính trị, và quan trọng hơn là rút ra những kinh nghiệm từ công việc thực tế hàng ngày. Bởi, nếu không vững vàng về chính trị, Ban Thư ký Biên tập không thể giúp lãnh đạo cơ quan trong công tác chỉ đạo thông tin - công việc hàng ngày của nhiều cán bộ, đảng viên trong Ban. Không nắm vững được đường lối, chủ trương của Đảng trong công tác thông tin rất dễ dẫn đến tình trạng "tự nhiên chủ nghĩa".

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm cho phóng viên báo chí.

Nhận thức chính trị vững vàng còn giúp các thành viên của Ban phân biệt được những thông tin đúng định hướng và những thông tin cần điều chỉnh để làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo ngành thông qua việc thực hiện nhận xét thông tin hàng ngày của các đơn vị thông tin. Có nhận thức chính trị đúng đắn còn giúp chúng ta có những phản xạ kịp thời trước những diễn biến bất thường của tình hình. Ví dụ, trước những thông tin sai lệch về tình hình tôn giáo của Việt Nam, Ban Thư ký Biên tập kiến nghị lãnh đạo để có thể tiếp cận các nguồn tin chính thức, có thông tin phản bác kịp thời.

Không chỉ nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, cán bộ, đảng viên trong Ban cũng còn phải nghiên cứu, học tập để hiểu được âm mưu của kẻ địch, từ đó có thể phân định các thông tin gây nhiễu và những thông tin có giá trị, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ làm bản điểm tin buổi sáng gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

           

Rèn luyện đức tính cẩn thận

Cẩn thận là một đức tính không thể thiếu của mỗi người làm báo, và càng không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên Ban Thư ký Biên tập trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ hàng ngày liên quan đến công tác xử lý thông tin, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo ngành, soạn thảo văn bản...

Yêu cầu nhiệm vụ đối với Ban Thư ký Biên tập là thông tin báo cáo phải chính xác, kịp thời; truyền đạt ý kiến phải đúng đắn, khách quan; văn bản phải dễ hiểu, trình bày đúng thể thức... Nhận thức được điều này, mỗi cán bộ, đảng viên trong Ban đều không ngừng rèn luyện đức tính cẩn thận: Cẩn thận trong xử lý nội dung thông tin, nhất là thông tin báo cáo lên Lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước; cẩn thận trong cách trình bày văn bản; cẩn thận về hình thức truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo ngành đến các đơn vị... Chúng tôi ý thức được rằng mỗi sơ xuất, dù là nhỏ, đều có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, như giảm độ tin cậy của thông tin, gây hiểu sai về nội dung. Vì vậy, trong mỗi báo cáo thông tin, văn bản gửi đến các đơn vị trong và ngoài ngành, lãnh đạo Ban đều có sự phân công kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng về nội dung, thể thức trình bày văn bản.

Trong hoạt động đối ngoại, đức tính cẩn thận, rà soát kỹ lưỡng từng câu, từng chữ trong các thư công tác gửi các đối tác nước ngoài giúp chúng tôi tránh được những hiểu lầm, bất đồng không đáng có do diễn đạt bằng ngoại ngữ.

 

Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại".

Thấm nhuần lời dạy của Bác, các cán bộ, đảng viên trong Ban Thư ký Biên tập luôn có ý thức phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Chúng tôi nhận thức rằng việc học tập, đặc biệt là tự học, phải là một quá trình liên tục, tự giác của các cá nhân. Việc học tập xuất phát từ nhu cầu thiết thực của công việc mà các cán bộ, đảng viên trong Ban đang đảm nhiệm. Việc tự học, tự nâng cao trình độ sẽ giúp chúng tôi có tư duy độc lập, sáng tạo, chủ động hơn trong công việc, nâng cao hiệu quả công tác.

Các cán bộ, đảng viên Ban Thư ký Biên tập đa phần có quá trình công tác từ các ban biên tập, chủ yếu từng đảm nhiệm công tác chuyên môn liên quan trực tiếp đến thông tin. Khi được điều chuyển về Ban Thư ký Biên tập, với các phần công việc mới mẻ như thư ký tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo về công tác thông tin, nhận xét, đánh giá thông tin, thực hiện các công tác đối ngoại của cơ quan..., nếu không có tinh thần học hỏi, học từ các thế hệ đi trước, từ đồng nghiệp, từ sách vở và thông qua các lớp bồi dưỡng, thì khó lòng hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Trau dồi, nâng cao khả năng ngoại ngữ cũng là một tiêu chí mà các cán bộ, đảng viên Ban Thư ký Biên tập luôn chú trọng. Việc thông thạo ít nhất một ngoại ngữ giúp chúng tôi có thể tiếp cận các thông tin bên ngoài nhanh chóng, trực tiếp và đa chiều. Việc nâng cao khả năng ngoại ngữ cũng giúp chúng tôi thực hiện tốt hơn công việc đối ngoại của ngành, trao đổi, tiếp cận và khai thác hiệu quả hơn các mối quan hệ sẵn có với các hãng thông tấn và cơ quan báo chí nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, chúng tôi xác định cần khai thác hiệu quả các thế mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài, qua đó khẳng định lợi thế riêng của TTXVN.

Thông qua việc thực hiện tốt lời dạy của Bác, tuy "quân số" không nhiều, Ban Thư ký Biên tập vẫn luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với tinh thần "Chất lượng - Hiệu quả - Chuyên nghiệp".

 

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nghĩ tới Bác trước khi cầm bút (02/01/2013 15:34:21)

Từ lời dạy của Bác nghĩ về một thế mạnh chưa được phát huy của ảnh báo chí.  (02/01/2013 15:20:48)

Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn: Học đi đôi với hành (05/12/2012 10:08:16)

Tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh": Cán bộ đảng viên TTXVN có chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động (13/06/2011 10:42:11)

Bác Hồ và vấn đề Viết như thế nào? (08/06/2010 09:42:05)

Thử sức ở nơi gian khó (08/06/2010 09:40:27)

Học Bác, nâng cao tinh thần trách nhiệm (08/06/2010 09:36:35)

Công ty In - Thương mại: Ba năm học Bác, ba năm tăng trưởng mạnh (08/04/2010 10:03:16)

Cẩn trọng - Yếu tố sống còn của nghề biên tập sách (04/01/2010 10:45:34)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ (27/11/2009 08:48:07)