Thứ tư, ngày 24/04/2024

Học theo Bác, làm theo Bác

Nghĩ tới Bác trước khi cầm bút


(02/01/2013 15:34:21)

Xác định rõ đối tượng bạn đọc là một trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công của mỗi tác phẩm báo chí; đồng thời là yêu cầu đối với mỗi nhà báo nếu muốn bài viết của mình đến được với công chúng.

     

 

Những lời dạy còn nguyên giá trị

Lần giở lại lịch sử, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến việc xác định rõ đối tượng độc giả khi viết báo là trong bài nói chuyện về "Cách viết", tại Trường Chỉnh Đảng Trung ương vào ngày 17/8/1952. Sau đó, Bác đề cập lại vấn đề này ngày 18/9/1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam. Bác nói: "Kinh nghiệm của tôi là thế này: mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc".

Tư tưởng chính của Hồ Chủ tịch trong vấn đề này là các nhà báo cần chủ động xích lại "gần dân", gần người đọc của mình, hiểu người đọc và hiểu mục đích tuyên truyền của mình, để từ đó viết được những bài báo khiến độc giả dễ tiếp nhận nhất.

Cách nói dung dị của Bác tương đương với những khái niệm trong lý thuyết đào tạo báo chí: Viết cho ai là xác định đối tượng độc giả; viết để làm gì chính là xác định mục đích, thông điệp của bài báo mà người viết muốn gửi gắm, truyền đạt; viết thế nào là sự lựa chọn bút pháp, thể loại, bố cục, dàn bài, cách thể hiện, hình thức trình bày...

Sự nghiệp làm báo của Bác Hồ bền bỉ, liên tục trong suốt 50 năm, luôn gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người. Do đó, có thể nói quan điểm "viết cho ai" chính là quan điểm của người làm cách mạng, hướng tới quần chúng nhân dân, và "viết để làm gì", chính cũng là sử dụng báo chí để đạt mục tiêu làm cách mạng.

Kinh nghiệm "viết cho dễ hiểu" của Bác đã được truyền lại cho các thế hệ sau, khi mỗi bài viết đều được Người đưa cho các cán bộ cần vụ có học vấn thấp, để qua đó "thẩm định" cách diễn đạt của mình. Bác cũng thường nhắc nhở các nhà báo: "Bài báo quá dài dây cà dây muống không hợp với trình độ và thời gian của quần chúng...". Khuyết điểm lớn nhất là dùng từ nước ngoài nhiều khi không đúng. Bác chỉ rõ: "Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là tờ báo; muốn dân chúng coi tờ báo ấy là của mình thì nội dung, tức là các bài viết, phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát và hình thức sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa". 

Báo Tin Tức phát huy lời dạy của Bác

Ngày nay, việc xác định đối tượng độc giả đối với mỗi tờ báo và mỗi nhà báo càng vô cùng quan trọng, bởi nó quyết định việc xác định đề tài, lựa chọn góc độ và quan điểm đưa tin, viết bài, cũng như thể loại, cách trình bày và phương tiện đăng tải nội dung bài báo.

Một ví dụ tại báo Tin Tức. Từ nhiều năm nay, báo Tin Tức có một lượng độc giả trung thành là các cán bộ, trí thức trong các cơ quan Nhà nước và các cán bộ đã nghỉ hưu, người cao tuổi. Các đối tượng độc giả này đánh giá cao các thông tin chính trị - xã hội (cả nội dung trong nước và quốc tế) đăng trên báo Tin Tức, bởi quan điểm đưa tin đúng đắn, kịp thời, trung thực và nghiêm túc. Chính vì vậy, dung lượng các thông tin này được ưu tiên trên các trang báo.

Phóng viên Lê Vân, báo Tin Tức, lên nhà giàn DK1/10 bằng thang dây trong chuyến đi chúc Tết Canh Dần các chiến sĩ Nhà giàn

Từ khi trở thành một kênh thông tin của Chính phủ, sau đó lại được phát hành tới cán bộ và nhân dân các vùng đặc biệt khó khăn, có thêm một số lượng lớn độc giả của báo Tin Tức là đồng bào các dân tộc thiểu số, các vùng miền khó khăn..., Ban biên tập báo Tin Tức đã chỉ đạo xây dựng chuyên trang "Dân tộc và Miền núi" trên các ấn phẩm (hàng ngày, cuối tuần và trên báo điện tử). Để hấp dẫn người đọc, các trang "Dân tộc và miền núi" được in 4 màu bắt mắt, cách trình bày mạch lạc, dễ theo dõi. Phong cách viết và biên tập được chú ý để đảm bảo tin bài ngắn gọn, dễ hiểu. Số lượng ảnh trên mỗi trang báo ngày càng nhiều, những phóng sự ảnh, các chuyên trang vùng miền cũng lần lượt xuất hiện, khiến tờ báo ngày càng đáp ứng đúng yêu cầu của bạn đọc, cũng như đáp ứng được các tiêu chí như Bác Hồ đặt ra là: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?.

Thời gian qua, báo Tin Tức cũng đã đầu tư phát triển báo điện tử tại địa chỉ http://www.baotintuc.vnm.baotintuc.vn. Một số lượng độc giả khác đã xuất hiện, với đặc thù quan tâm tới mảng thông tin thế giới, thông tin tư liệu chính thống và cũng là nhóm độc giả có điều kiện và kiến thức về công nghệ thông tin cũng như ngoại ngữ. Do đó, các tin, bài nổi bật trên các chuyên mục hầu hết tập trung đáp ứng nhu cầu truy cập nhanh chóng của độc giả. Cách biên tập, rút tít, bố cục bài báo... cũng được chú ý để phù hợp hơn với nhóm đối tượng này. Kết quả là số lượng người đọc đến với baotintuc.vn ngày càng tăng, hiện đã lên tới hàng trăm ngàn lượt truy cập mỗi tuần.

Đội ngũ phóng viên, biên tập viên của báo Tin Tức cũng bám sát đối tượng độc giả của mình, để hàng ngày, hàng giờ xác định "trúng" các đề tài mà người đọc quan tâm, gần gũi với người đọc cả về không gian, thời gian và lợi ích, để thể hiện một cách phù hợp trên các trang báo. Song song với các tin bài đề cập tới các vấn đề vĩ mô phục vụ đối tượng độc giả truyền thống của báo, ngày càng nhiều bài viết của phóng viên đề cập tới những nội dung cụ thể, gắn kết với đời sống dân sinh, với hành văn sinh động, thể loại hấp dẫn, ngắn gọn hơn, trình bày bắt mắt hơn.

Ngày nay, những đặc điểm của người đọc nói chung đã có sự thay đổi: Trình độ dân trí nâng cao, tốc độ dòng chảy cuộc sống làm thời gian ngắn hơn, cơ hội tiếp cận với thông tin ngày càng nhiều với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và các phương tiện liên lạc. Giao lưu thế giới nhiều hơn, cạnh tranh báo chí cũng cao hơn. Điều này đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí cũng như mỗi nhà báo phải không ngừng tìm tòi, đổi mới. Việc khảo sát về độc giả để xác định đối tượng độc giả cũng như sự quan tâm của người đọc đối với tờ báo càng là điều cần thiết đối với các toà soạn nói chung và báo Tin Tức nói riêng.

Song song với các biện pháp mang tính quản lý đó, đối với các phóng viên, biên tập viên, mỗi khi đặt bút viết hay biên tập, phải xác định ngay được góc độ bài viết của mình để nói một cách ngắn gọn, súc tích, tránh ôm đồm quá nhiều vấn đề trong một bài viết. Cần viết ngắn gọn, tiết kiệm thời gian của người đọc, tiết giảm tối đa các yếu tố "gây nhiễu", ảnh hưởng tới tốc độ tiếp thu thông tin của độc giả (viết chữ in hoa, viết tắt, nhiều con số...). Bố cục hình tháp ngược được đặc biệt quan tâm. Các chi tiết thừa cần được gạn lọc một cách nghiêm khắc. Các bài viết ít từ hơn, trình bày sáng sủa với nhiều cửa sổ thông tin hơn (như box, biểu đồ, đoạn trích dẫn...) để người đọc "liếc mắt" cũng nắm được tinh thần bài báo. Ngôn ngữ sử dụng được làm trong sáng tới mức tối đa, Việt hoá những từ nước ngoài, phổ thông hóa những khái niệm chuyên ngành, hạn chế tối đa viết tắt hay lối diễn đạt cầu kỳ, vòng vèo...

Những nỗ lực đó của các nhà báo chính là sự hiện thực hóa, là làm theo những lời dặn dò của Bác Hồ về nghiệp vụ, hướng tới phục vụ độc giả một cách hiệu quả.

Bốn mươi ba năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ kính yêu từ biệt chúng ta, nhưng tư tưởng của Bác về con đường cách mạng của dân tộc, cũng như về sự nghiệp báo chí cách mạng vẫn là "ngọn đuốc chỉ đường" cho sự phát triển của đất nước nói chung và báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng. Việc học tập, vận dụng và phát triển tư tưởng của Bác về báo chí cách mạng trong điều kiện mới là một yêu cầu quan trọng không chỉ đối với người làm báo nói chung, và với những người làm báo Tin Tức nói riêng mà còn bảo đảm cho sự phát triển bền vững, tích cực của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Thùy Hương (Chi bộ báo Tin tức)
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Từ lời dạy của Bác nghĩ về một thế mạnh chưa được phát huy của ảnh báo chí.  (02/01/2013 15:20:48)

Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn: Học đi đôi với hành (05/12/2012 10:08:16)

Tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh": Cán bộ đảng viên TTXVN có chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động (13/06/2011 10:42:11)

Bác Hồ và vấn đề Viết như thế nào? (08/06/2010 09:42:05)

Thử sức ở nơi gian khó (08/06/2010 09:40:27)

Học Bác, nâng cao tinh thần trách nhiệm (08/06/2010 09:36:35)

Công ty In - Thương mại: Ba năm học Bác, ba năm tăng trưởng mạnh (08/04/2010 10:03:16)

Cẩn trọng - Yếu tố sống còn của nghề biên tập sách (04/01/2010 10:45:34)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ (27/11/2009 08:48:07)

Bác Hồ với Báo ảnh (15/10/2009 15:45:08)