Thứ tư, ngày 22/05/2024

Tin tức sự kiện và kỷ niệm

Hành trình cuốn nhật ký của Nhà báo - Liệt sỹ Chu Cẩm Phong


(04/08/2006 09:10:08)

Cuốn "Nhật ký chiến tranh" của nhà báo- Nhà văn- Liệt sỹ Chu Cẩm Phong do NXB Văn học ấn hành năm 2000 có một cuộc hành trình thật bí ẩn và hấp dẫn. Cuốn nhật ký này do anh tự tay đóng bằng giấy Pơ-luya tại căn cứ "Làng Tuyên" khu 5 từ đầu năm 1967. Cuốn sổ rất dày nhưng gọn, nhẹ để anh có thể luôn mang theo mình trên đường công tác.

          Hàng ngày, khi xong xuôi mọi việc, anh lấy cuốn nhật ký mang theo để tận dưới đáy ba lô, ghi chép những sự việc, những con người mà trong ngày đó anh cảm nhận được. Anh viết nhật ký để cho anh chứ không phải cho người khác xem, người khác đọc. Chính vì vậy, nó rất thật- một sự thật tươi rói và sống động trong cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt ở cả hậu phương và tiền phương vùnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi...

          Cuốn nhật ký bắt đầu từ năm 1967 cho đến ngày 27/4/1971 (nghĩa là trước 4 ngày hy sinh). Trong 4 ngày cuối cùng ấy, anh không ghi được nhật ký với lý do duy nhất là anh đang nằm trong vòng vây của địch. Một cuộc chiến không cân sức. Cả một tiểu đoàn chủ lực Mỹ nguỵ quần thảo với 8 chiến sĩ cách mạng có ý chí chiến đấu kiên cường. Cho đến ngày 1/5/1971, bọn địch đã tìm được hầm bí mật của các anh dưới bụi tre gần bờ sông Thu Bồn, thôn Vĩnh Cường, xã Xuyên Phí (nay là xã Duy Tân), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Bốn người hy sinh ngay tại hầm trong đó có Phong, còn 4 ngừơi bị địch bắt sống trong đó có anh Lê Yến (tức Sáu Yến).

          Lúc đó, Sáu Yến là chính trị viên xã đội. Là người cùng nằm hầm bí mật với Chu Cẩm Phong, may mắn còn sống sót, anh bồi hồi nhớ lại những giây phút cuối cùng của Chu Cẩm Phong: 'Anh Phong khoát tay bảo: Bình tĩnh. Khi mô phát hiện thì mình chiến đấu. Mất bình tỉnh làm sảy cỏ (cướp cò) thì nguy. Địch đã vây quanh. Chúng vừa bắn tiểu liên, vừa ném lựu đạn tới tấp vào bụi tre. Lỗ thông hơi toang hoác... Địch ném liên tục, có khi liền năm, bảy quả lựu đạn một lần, nhiều quả lọt xuống hầm nổ tung toé. Cô Ta và cô Ca đều bị thương rất nặng. Ca rên to. Anh Phong động viên Ca đừng rên, ráng chịu đau, bảo anh em băng bó cho Ca và Ta, còn mình thì tự băng lấy. Sau đó, anh không quên lục gùi lấy tài liệu, xé rồi đào đất lấp lại....'

 

 

Bìa cuốn nhật ký lấy lên từ dưới hầm bí mật được người sỹ quan quân đội Sài Gòn bọc và trình bày cẩn thận. (Ảnh: Trần Ấm).

 


          'Đó là những lời động viên đồng đội và động tác cuối cùng của Phong. Anh bị thương rất nặng ở lưng, anh em cứ tưởng anh bị thương nhẹ ở chân. Anh cố sức tự băng xong ít phút thì tắt thở...'

          Những anh em còn lại tiếp tục chiến đấu nhưng cuối cùng bọn địch đã chiếm được trận địa. Trong căn hầm bín mật, bên cạnh thi thể của Chu Cẩm Phong là cuốn nhật ký mà anh luôn mang theo người cũng 'bị thương' bởi một mảnh đạn M79.

          Một sỹ quan thuộc Sư đoàn 3 quân nguỵ Sài Gòn đã nhặt được cuốn sách ấy mang về đọc thấy xúc động và thầm cảm phục người viết cuốn nhật ký này. Anh ta tặng lại cho bạn là Hoàng Đình Hiếu, một sĩ quan tâm lý chiến của quân đội Sài Gòn. Hoàng Đình Hiếu đã đọc hết cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong. Mến phục tác giả và rất trân trọng cuốn nhật ký do người phía bên kia chiến tuyến viết, anh đã đóng thêm bìa cho cuốn nhật ký khỏi bị nhàu nát và tự trang trí hình mặt trời tỏa sáng, phía dưới là một cái cây vươn thẳng nở một bông hoa (ảnh).

          Sau đó, anh Hoàng Đình Hiếu được biệt phái về dạy học tại trường Hồng Đức - Đà Nẵng. Những điều đọc được trong cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong, anh đã không giữ kín cho riêng mình mà chia sẻ với học sinh ở trường Hồng Đức ngay trên bục giảng dưới thời Mỹ nguỵ (một điều hết sức cấm kỵ dưới chế độ cũ).

           Anh Hiếu bộc bạch: 'Tôi giữ cuốn nhật ký Chu Cẩm Phong là nhằm bảo quản một tài liệu sống của thế hệ mình vì nội dung cuốn sách mang tính thời đại, chứa đựng nét tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên'.

          Khi thành phố Đà Nẵng mới giải phóng được mươi ngày (Đà Nẵng giải phóng ngày 24/3/1975), Hoàng Đình Hiếu tìm đến trụ sở Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ để trao lại cuốn nhật ký. Lúc đó, nhà thơ Bùi Minh Quốc đang có mặt tại trụ Hội Văn nghệ Giải phóng tiếp nhận cuốn nhật ký của người bạn vong niên, anh không sao cầm được nước mắt.

     Nhà thơ Bùi Minh Quốc và nhà thơ Hồ Duy Lệ đã nâng niu cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong như một báu vật của người bạn chiến đấu cùng chiến hào. Đến năm 2000, hai anh Bùi Minh Quốc và Hồ Duy Lệ đã viết lời tựa cho cuốn 'Nhật ký chiến tranh' của Chu Cẩm Phong do NXB Văn học ấn hành với độ dày gần 1.000 trang.

 

Trần Ấm
(Theo Nội san Thông tấn, số 7-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nghề báo tưởng nhớ anh (04/08/2006 08:56:33)

Biến niềm phấm khởi thành những việc làm thiết thực (*) (04/08/2006 08:29:05)

Nhà báo Hoàng Tùng - Trọn cuộc đời với báo chí cách mạng (03/07/2006 08:41:25)

Báo ảnh Việt Nam đang vượt lên chính mình  (27/03/2006 15:40:01)

Hoạt động kỷ niệm ngày nhà báo Việt Nam 21/6  (27/03/2006 15:40:01)

Những thế hệ phóng viên, biên tập viên làm Báo Ảnh Việt Nam  (27/03/2006 15:40:01)

Làm báo phải luôn giữ "mắt sáng, lòng trong, bút sắc"  (27/03/2006 15:40:01)

Hạnh phúc biết bao được làm đồng nghiệp của nhà báo Hồ Chí Minh  (27/03/2006 15:40:01)

Đạo đức nghề báo.  (27/03/2006 15:40:01)

Thi đua phải gắn lợi ích của ngành với lợi ích của tập thể và của từng người lao động.  (27/03/2006 15:40:01)