Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tin tức trong ngành

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học tập tư tưởng Bác Hồ về thi đua yêu nước


(05/09/2019 16:53:22)

1. Ngày 1/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban vận động thi đua ái quốc và Sắc lệnh số 196-SL quy định thành phần Ban vận động thi đua ái quốc nhằm xây dựng bộ máy chuyên trách về thi đua. Ngày 11/6/1948, Người ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước.

Ngay từ khi phát động phong trào, Bác nêu mục đích của thi đua lúc này là để diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Muốn đạt mục đích ấy thì bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, không phân biệt già, trẻ, trai, gái, giàu, nghèo, lớn, nhỏ tùy theo điều kiện, khả năng, ai cũng đều cần phải thi đua. 

Mục đích của thi đua rất cao cả, nhưng không cao xa, khó hiểu, khó làm, mà trong mọi việc đều có thi đua. Thi đua từ việc rất nhỏ, rất quen thuộc hằng ngày như ăn mặc cho hợp thời, hợp cách, ở cho sạch, cho hợp vệ sinh, thi đua trong lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm, trong học tập, rèn luyện và chiến đấu, trong phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động… Việc đặt ra mục tiêu thi đua phải gắn với nhiệm vụ hằng ngày, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị cho từng thời kỳ, từng giai đoạn của cách mạng.

Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, khả năng của mỗi nơi mà đặt ra kế hoạch cho phù hợp, sát thực, cụ thể, đúng mức, tránh phô trương, hình thức. Khi đã có kế hoạch phải đem ra bàn bạc một cách dân chủ, kỹ lưỡng, theo phương châm: Kế hoạch 1, quyết tâm 10, biện pháp phải 20, để cùng nhau thực hiện hiệu quả. Có như vậy mới làm cho “mọi người đều hiểu, mọi người đều vui lòng nhận và quyết tâm làm cho kỳ được”, “kết quả mới đầy đủ, tốt đẹp”. 

Bác căn dặn, trong thi đua “cần phải có cán bộ được huấn luyện hẳn hoi” bởi đó chính là cái gốc của mọi công việc, của mọi phong trào. Cần thường xuyên tổng kết, đánh giá thì mới biết được những mặt tốt, mặt xấu và kết quả của phong trào, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, thường xuyên nhắc nhở các ngành, các cấp, các địa phương: “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”. Bên cạnh các cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu được bình chọn, còn phải biểu dương, khen thưởng kịp thời những gương “người tốt, việc tốt” trong cuộc sống hằng ngày. Người coi đó là cách tốt nhất “để hằng ngày giáo dục lẫn nhau”, “để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

2. Thấm nhuần lời dạy của Bác về thi đua ái quốc, TTXVN đã có nhiều đổi mới trong công tác thi đua nhằm động viên, khích lệ đội ngũ công chức, viên chức, người lao động cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển của ngành.

Năm 2019, trên cơ sở các nhiệm vụ chính trị của ngành, thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và phong trào thi đua của Khối các ngành khoa học - văn hoá - xã hội, Tổng giám đốc đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành với mục tiêu: Tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TTXVN khóa XXV, lập thành tích kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập ngành, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành hăng hái thi đua, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác, tạo bước phát triển vượt bậc trong công tác thông tin, xây dựng TTXVN không ngừng phát triển, giữ vững là trung tâm thông tin chiến lược và tin cậy của Đảng và Nhà nước. 

Thực hiện phong trào thi đua do Tổng giám đốc phát động, toàn ngành tập trung hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch công tác được giao; nâng cao chất lượng thông tin, thực hiện tốt chức năng thông tấn nhà nước, mở rộng sự lan tỏa của thông tin thông tấn, phát triển mạnh các loại hình thông tin mới, tiếp tục nâng cao hiệu quả thông tin đa phương tiện... Các đơn vị chú trọng xây dựng tổ chức đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; kiên quyết đấu tranh chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

Để phong trào thi đua đạt hiệu quả, các khối thi đua xây dựng phong trào gắn với đặc thù của các đơn vị. Khối các ban biên tập và trung tâm thông tin với phong trào “Đảm bảo thông tin tuyệt đối chính xác, nhanh và kịp thời”, “Ảnh luôn đạt chất lượng cao”, “Học tập Bác Hồ cách làm báo, viết báo”. Khối các tòa soạn báo thực hiện phong trào “Giữ vững định hướng thông tin chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng thông tin”. Khối các đơn vị chức năng, tổng hợp với các phong trào: “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc”, “Đoàn kết, nâng cao hiệu quả công tác và triệt để thực hành tiết kiệm”, “Mỗi người giỏi một việc nhưng làm được nhiều việc”. Khối kỹ thuật, sản xuất, dịch vụ triển khai các phong trào: “Năng suất cao, chất lượng tốt, văn minh công sở, thực hành tiết kiệm”, “Thực hiện tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa”. Các CQTT trong và ngoài nước với phong trào “Không bỏ lọt thông tin”, “Bám sát các sự kiện, thông tin chính xác, kịp thời”, “Tăng cường công tác quản lý đơn vị”. Văn phòng TTXVN đẩy mạnh các phong trào thi đua “Giữ gìn cơ quan sạch đẹp, văn minh, lịch sự”, “Triệt để khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý”, “Lái xe an toàn, bảo quản xe tốt”. 

Phong trào thi đua yêu nước được triển khai rộng rãi trong toàn ngành, thu hút sự tham gia của đông đảo công chức, viên chức và người lao động với nhiều nội dung thiết thực, hình thức phong phú. Qua đó, nhiều sáng kiến, giải pháp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác được đề ra, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân, đơn vị và toàn ngành.

Đàm Danh Liêm
Nội san Thông tấn số 8/2019