Trao đổi - Thảo luận
Tây Nguyên không chỉ là một địa danh
(30/05/2017 15:37:18)
Trong số 7 giải A được vinh danh tại Lễ trao Giải báo chí TTXVN năm 2016, có hai chùm tác phẩm: “Phát triển bền vững Tây Nguyên” của tác giả Nguyễn Quang Vinh - Ban biên tập tin Trong nước (thể loại Bình luận) và “Bức thư Da cam” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Yến, Lê Thị Bảo Ngọc, Phùng Thị Phương Chi, Nguyễn Lưu Niệm và Hoàng Minh Nga - Ban biên tập tin Đối ngoại (thể loại Truyền hình). Nội san Thông tấn giới thiệu bài viết của các tác giả về quá trình tác nghiệp, sáng tạo nên tác phẩm và những giá trị nhân văn trong nghề báo.
Chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững của Đảng và Nhà nước ta hết sức đúng đắn và vô cùng cần thiết. Bởi Tây Nguyên là vùng đất địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa cực kỳ quan trọng của nước ta. Do vậy, viết về Tây Nguyên trước hết phải có hiểu biết sâu sắc về vùng đất này trên nhiều lĩnh vực chuyên ngành, đa ngành, để từ đó có cái nhìn khái quát nhất; và trong một khả năng nào đó có thể phân tích, bình luận góp một tiếng nói có trách nhiệm của một nhà báo vào sự nghiệp phát triển Tây Nguyên.
Viết và nghĩ về Tây Nguyên, không chỉ là một địa danh mà động chạm đến một phức hợp nhân văn, văn hóa, một phức hợp của cuộc sống con người; đó vừa là mục tiêu của Đảng và Nhà nước, vừa là khát vọng của mỗi người dân. Ý Đảng – lòng dân ở vùng đất Tây Nguyên phải làm sao hòa làm một; phải xem trong thực tế hơn 40 năm sau giải phóng, những chính sách của Đảng và Nhà nước thực hiện ở Tây Nguyên đã mang lại những kết quả gì? Từ cái nhìn tổng thể đó, người viết may ra mới có được một vài kiến giải về hiện tại có lý có tình, ngõ hầu góp một tiếng nói tạo ra sự đồng thuận xã hội trên vùng đất Tây Nguyên.
Khi nghiên cứu về Việt Nam, nhiều chuyên gia chiến lược và các nhà quân sự thường đánh giá Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có giá trị rất lớn về mặt quân sự, kinh tế. Nhiều tướng lĩnh của chúng ta và cả nước ngoài đã nhận định, Tây Nguyên quan trọng tới mức nếu ai chiếm được Tây Nguyên thì coi như đã làm chủ được Việt Nam và Đông Dương.
Trải qua cuộc chiến tranh giải phóng 30 năm, không chỉ chúng ta mà người Pháp, người Mỹ và thế giới cũng nhận thức được vị trí yết hầu của khu vực này. Họ xem Tây Nguyên là “nóc nhà của Đông Dương”; là vùng đất liền kề ngã ba Đông Dương. Cho nên, chiếm lĩnh được khu vực này thì cũng dễ dàng chiếm lĩnh được toàn bộ Đông Dương.
Trong kháng chiến chống Pháp, khi ta mở 7 chiến dịch trên cả nước để phối hợp với chiến trường chính là Bắc Bộ thì có một chiến dịch lớn được mở ở Tây Nguyên đánh thắng binh đoàn 100 của Pháp, sau đó ta mới mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, họ đã chú trọng đến vị trí chiến lược của Tây Nguyên và tập trung một binh lực lớn hòng khống chế toàn bộ Tây Nguyên.
Vì thế, trong cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1975, ta đã quyết định “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột nhằm làm toàn bộ miền Nam rung chuyển, buộc quân địch phải rút lui chiến lược ở Huế, Đà Nẵng, tạo ra thời cơ để chúng ta tổng tiến công giải phóng miền Nam.Chiến dịch Tây Nguyên là đột phá chiến lược của cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975.
Làm nên một giá trị đặc biệt trên các lĩnh vực chiến lược, chính trị, kinh tế - văn hóa, vậy điều gì làm nên yếu tố đặc biệt của Tây Nguyên. Đó chính là rừng và người. Từ rừng mà đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã hình thành và xây dựng nên một hệ thống ứng xử giữa người và rừng, giữa rừng và cộng đồng; có rừng thì có làng, tạo nên sự gắn kết quê hương, đất nước; và làng cũng là nền tảng của văn hóa, phong tục, tập quán của Tây Nguyên. Ngược lại, mất rừng thì mất làng, mất thuần phong mỹ tục, phá vỡ mọi thiết chế làng, con người và cộng đồng mất đi sự gắn kết với quê hương, đất nước, con người “tha hương” ngay trên quê hương mình. Đó chính là một trong những nhân tố gây mất ổn định xã hội, an ninh chính trị ở vùng đất chiến lược này. Thực tế trong tiến trình lịch sử, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã xây dựng nền văn hóa đại ngàn, gắn kết giữa người và rừng, tạo nên một thiết chế buôn làng vô cùng chặt chẽ, vận hành theo luật tục, thật sự trở thành một cơ cấu xã hội bền vững, làm nên bức thành đồng trước bao cuộc xâm lăng, chinh phục của giặc ngoại xâm.
Do vậy, muốn phát triển Tây Nguyên bền vững, việc trước tiên là phải có chính sách giữ rừng và phục hồi rừng cho Tây Nguyên.
Bằng các tư liệu thực tế 20 năm thu thập được ở Tây Nguyên qua các chuyến đi và cập nhật các thông tin, tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyên gia và lãnh đạo các địa phương, chúng tôi thấy cần phải phát biểu chính kiến của mình trên tư cách của nhà báo về chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên. Không đi sâu vào chi tiết của thể loại phóng sự, điều tra, chúng tôi chọn thể loại phân tích – bình luận để chuyển tải ý tưởng của mình một cách khái quát nhất, nhằm giúp người đọc có cái nhìn tổng thể về Tây Nguyên. Rằng trong nhiều năm qua, chúng ta chưa thấu hiểu về Tây Nguyên nên đã để mất rất nhiều rừng. Nhiều lý do làm mất rừng đã được chỉ ra cùng các biện pháp giữ rừng cũng được đề cập tới. Tất cả chỉ muốn gửi đi một thông điệp rằng, muốn phát triển Tây Nguyên bền vững thì phải giữ và khôi phục rừng, một khi Tây Nguyên không còn rừng thì nhà nước có đầu tư bao nhiêu tiền của thì Tây Nguyên vẫn như một mái nhà dột nát. Bức thành đồng trên mái nhà Đông Dương không thể vững bền.
Do vậy, giữ rừng, phục hồi rừng cho Tây Nguyên phải là việc làm cấp bách, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; đó chính là chiến lược yên dân một cách căn cơ và bền vững.
Quang cảnh lễ cúng lúa mới của đồng bào huyện Buôn Ðôn, Đắk Lắk |
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
Để có những tác phẩm báo chí chất lượng (30/05/2017 15:13:32)
Những từ hay viết sai (30/05/2017 10:50:45)
Đã đêm sao lại còn ngày? (30/05/2017 10:30:25)
Báo chí phải làm gì khi đương đầu với Facebook? (08/05/2017 18:22:29)
Phát huy sức trẻ (08/05/2017 17:45:19)
Doanh thu quảng cáo báo in giảm mạnh (12/04/2017 11:07:52)
Phát huy tiềm năng thanh niên (12/04/2017 10:45:15)
Đẩy mạnh thông tin đa phương tiện chuyên ngữ (04/04/2017 16:21:21)
Để các trụ sở luôn khang trang, sạch đẹp (04/04/2017 09:39:01)
Vinh danh lòng quả cảm và sự dấn thân (02/03/2017 10:26:32)